Tăng lương tối thiểu vùng nhưng tại sao Người lao động vẫn … THỜ Ơ?

0
2096

Tired business woman sitting at her working place. Overwork, working overtime and stress at work concept.

Ngày 2/8 vừa qua, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thông qua phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017. Theo đó, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 được Hội đồng tiền lương Quốc gia đề xuất tăng bình quân là 213.000 đồng/tháng, tương ứng với mức tăng 7,3% so với năm 2016 (Xem chi tiết mức tăng lương từng vùng TẠI ĐÂY).

Việc tăng lương tối thiểu hàng năm để tiệm cận với mức sống hiện nay thoạt nghe có vẻ như là một chính sách bảo vệ tốt cho người lao động, nhưng sự thực lại không hẳn như vậy.

Nguyên nhân là bởi không có nhiều DN trả lương cho nhân viên ở mức 3,75 triệu đồng/tháng. Nếu lao động có mức lương thực nhận trên 3,75 triệu đồng, họ sẽ không nhận thấy sự thay đổi nào. Tuy nhiên, góc độ của doanh nghiệp sẽ là hoàn toàn khác.

Hiện tại, với mức chi trả cho các khoản bảo hiểm dành cho người lao động hằng năm là 32,5% tiền lương (trong đó DN đóng 22%, người lao động đóng 10,5%). Để giảm mức bảo hiểm phải đóng, tất cả các DN trong nước hiện đều chọn cách đóng tiền bảo hiểm theo mức lương tối thiểu lao động, hoặc cao hơn một chút, thay vì đóng theo mức lương thực nhận.

Hãy đưa ra một giả định dễ hiểu. Giả sử, một doanh nghiệp ở Hà Nội trả cho bạn 10 triệu đồng/tháng, thì số tiền bảo hiểm sẽ không dựa trên con số 10 triệu này, mà sẽ dựa trên mức lương tối thiểu (3,1 triệu đồng).

Việc đóng tiền bảo hiểm theo mức lương tối thiểu giúp giảm gánh nặng cho doanh nghiệp và có thể trả lương cho nhân viên cao lên.

Khi mức lương tối thiểu tăng từ 3,1 triệu đồng lên 3,5 triệu đồng, doanh nghiệp sẽ phải đóng các khoản hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp dựa trên mức lương tối thiểu mới là 3,5 triệu đồng.

Như vậy, tổng số tiền chi trả bảo hiểm cho người lao động của công ty sẽ tăng lên một khoản tương ứng với mức trung bình tăng lương cơ bản là 12,4%.

Chính sách tăng lương tối thiểu, nếu nhìn theo khía cạnh này, không hỗ trợ cho người lao động mà là câu chuyện giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Trong khi lương lao động không tăng, doanh nghiệp phải thêm 12,4% tổng quỹ bảo hiểm và Nhà nước nhận thêm một khoản tiền tương ứng.

Vậy người lao động được lợi gì? Có thể lương hưu của họ sẽ tăng, nhưng đó là câu chuyện của vài chục năm nữa. Còn hiện tại, với những người có mức lương trên mức tối thiểu, họ sẽ không được lợi gì về mặt thu nhập. Thậm chí, lương của họ còn có nguy cơ bị ảnh hưởng khi doanh nghiệp chọn cách trích thu nhập thực của họ ra để chi trả cho bảo hiểm.

Tiêu cực hơn, một số DN không đủ khả năng chi trả có thể tính tới việc sa thải bớt nhân viên, cắt giảm lương hoặc không tuyển dụng thêm nhân sự mới.

Khi gánh nặng đè lên vai doanh nghiệp, đương nhiên họ sẽ tìm cách để “san sẻ” sang cho người khác. Tăng lương tối thiểu, thoạt nghe có vẻ vui, nhưng lại là tin buồn cho không chỉ lao động mà cả những người đang chưa có việc làm, những sinh viên sắp ra trường,…

Cũng có thể nhìn nhận câu chuyện tăng lương tối thiểu theo hướng tích cực hơn. Đó là các DN trả lương quá thấp (dưới mức lương tối thiểu) sẽ buộc phải tăng cho người lao động của mình. Thêm vào đó, trong tương lai xa, khi lương tối thiệu thực sự tiệm cận mức sinh sống của người dân và DN đủ sức chi trả khoản tiền này, người lao động có thể được hưởng lợi lớn khi phúc lợi xã hội tăng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh sự chênh lệch giữa lương tối thiểu và thu nhập thực còn đáng kể như hiện nay, sẽ hợp lý hơn khi coi động thái tăng lương tối thiểu qua các năm là một hình thức để tăng thu cho ngân sách Chính phủ.

Với việc Chính phủ nhận định mức lương tối thiểu hiện nay đã giải quyết 80% nhu cầu của cuộc sống, có thể thấy lương tối thiểu sẽ không chỉ dừng lại ở đây mà sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới.

Lưu

Lưu