Có thể hiểu “Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” là trách nhiệm bồi thường khi có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại mà không phụ thuộc vào hợp đồng mà phát sinh dưới tác động trực tiếp của các quy phạm pháp luật.
Cùng một chế định nhưng giữa BLDS 2005 và BLDS 2015 có những quy định khác nhau. Văn Phòng Luật sư Vũ Như Hảo & Cộng sự xin tổng hợp và giới thiệu đến Khách hàng và bạn đọc 5 Điểm mới trọng về Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo BLDS 2015 dưới đây.
1. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
BLDS 2005 dùng phương pháp liệt kê người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Ngoài quy định như BLDS 2005, BLDS 2015 quy định thêm trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại nhưng các bên có thỏa thuận bồi thường thì vẫn phải bồi thường.
Ngoài ra, trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Ví dụ A cho B mượn xe ô tô, B gây tai nạn cho C thì A là người phải bồi thường thiệt hại cho C.
2. Nguyên tắc bồi thường
BLBS 2005 chỉ ra 3 nguyên tắc bồi thường cơ bản, trong khi đó BLDS năm 2015 chỉ ra 5 nguyên tắc bồi thường, ngoài 3 nguyên tắc bồi thường như BLDS 2005 thì BLDS 2015 đã bổ sung thêm 2 nguyên tắc:
+ Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
+ Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
3. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường
BLDS năm 2005 quy định thời hiệu yêu cầu bồi thường là 2 năm thì BLDS 2015 tăng thêm 1 năm là 3 năm.
4. Bồi thường tổn thất tinh thần do sức khỏe bị xâm hại
BLDS 2005 quy định nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 30 lần mức lương tối thiểu do nhà nước quy định. Còn BLDS 2015 quy định trường hợp không thỏa thuận được mức tối đa bồi thường không quá 50 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định.
5. Bồi thường tổn thất tinh thần do tính mạng bị xâm hại
BLDS 2005 quy định nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 60 lần mức lương tối thiểu do nhà nước quy định. Còn BLDS 2015 quy định trường hợp không thỏa thuận được mức tối đa bồi thường không quá 100 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định.