I/ Cách tính lãi suất mới theo Bộ luật dân sự 2015
Điều 468 BLDS 2015 quy định:
“Điều 469: Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”
Như vậy, căn cứ theo Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 thì:
Mức lãi suất tối đa trong hợp đồng vay: 20% giá trị khoản vay/năm tương ứng với 1,67% giá trị khoản vay/tháng.
Nếu không có quy định mức lãi suất đối với tiền lãi chậm trả thì lãi suất tối đa cho phần tiền lãi là: 10% tiền lãi trên nợ gốc tương ứng với 0,83%/tháng.
Nghĩa vụ thanh toán của bên cho vay bao gồm:
1. Nợ gốc
2. Lãi trên nợ gốc trong thời hạn hợp đồng vay= nợ gốc * lãi suất vay trong hợp đồng * thời hạn hợp đồng vay.
3. Lãi phát sinh đối với phần tiền lãi trên nợ gốc = lãi trên nợ gốc * 0,83% * thời gian chậm trả
4. Lãi trên nợ gốc quá hạn = nợ gốc * 1,5 * lãi suất vay trong hợp đồng * thời gian quá hạn.
Vi dụ: A vay của B 50 triệu, lãi suất 1%/tháng, thời hạn vay là 1 năm. Tuy nhiên đến hạn thanh toán mà A vẫn chưa thanh toán. 6 tháng sau thì A mới thanh toán. Vậy nghĩa vụ thanh toán của A căn cứ theo Bộ luật dân sự 2015 bao gồm:
Nợ gốc = 50 triệu
Lãi trên nợ gốc trong thời hạn hợp đồng vay = 50 triệu * 1% * 12tháng = 6.000.000 đồng
Lãi phát sinh đối với phần tiền lãi trên nợ gốc = 6 triệu* 0,83% * 6 tháng chậm trả = 299.000 đồng
Tiền lãi nợ gốc quá hạn = 50 triệu*150%*1%*6 tháng = 4.500.000 đồng
Tổng cộng số tiền phải trả là: 60.800.000 đồng
Lưu ý: lãi suất của các ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010. Điều này có nghĩa là các ngân hàng, tổ chức tín dụng có cơ chế lãi suất trần riêng cho các hợp đồng tín dụng.
II/ Về tội cho vay nặng lãi
Điều 163 Bộ luật hình sự quy định:
“1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 6 tháng đến ba năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Do đó để cấu thành tội cho vay nặng lãi theo Bộ luật hình sự thì mức lãi suất vượt quá mười lần mức lãi suất quy định trong Bộ luật dân sự 2015, tức là vượt quá 16,67 %/tháng.
Trong trường hợp khởi kiện ra tòa án thì pháp luật chỉ bảo vệ quyền lợi của bên cho vay trong phạm vi lãi suất mà pháp luật cho phép. Phần vượt quá lãi suất sẽ không được pháp luật bảo vệ.