Nghề Luật Sư Ở Việt Nam – Thực Trạng và Giải Pháp

0
2862

Thực tế khách quan của một quốc gia đang phát triển, của một đất nước đang hướng đến nền dân chủ vững mạnh của một dân tộc đang ngày ngày vươn mình ra bạn bè năm châu, thì sứ mệnh bảo vệ công lý, đảm bảo công bằng xã hội được đề cao là tất yếu và chính đáng.nghe-luat-su

Không có giai đoạn nào trong lịch sử phát triển của đất nước vị thế, vai trò của nghề Luật Sư lại được coi trọng như hiện nay. Có thể nói đây là thời điểm mà đất nước ta đã nhìn nhận sát hơn về nghề Luật Sư theo đúng chỗ đứng xứng đáng mà nghề có được. Người dân ngày càng tìm đến Luật Sư nhiều hơn như một nhu cầu cần thiết để họ cảm thấy yên tâm và tự tin hơn khi họ được nhận thức về pháp luật một cách rõ ràng hơn.

Đảng và nhà nước ta đã có nhiều chính sách quan tâm đến nghề Luật Sư trong những năm gần đây cụ thể là pháp lệnh và Luật Luật Sư năm 2006 được ban hành, đội ngũ Luật Sư đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Sự phát triển thay đổi rõ rệt là do những quy định đổi mới của Luật Luật Sư.

Tuy nhiên, vấn đề về đội ngũ Luật Sư của nước ta đang còn những hạn chế cần được khắc phục sau đây:

Thứ nhất, số lượng luật sư ở nước ta còn rất thấp so với tỉ lệ dân số nước ta. Tỷ lệ Luật Sư trung bình là 1 Luật Sư/17.000 người dân, trong khi đó tỷ lệ này ở Thái Lan là 1/1526, Singapore là 1/1.000, Pháp là 1/1.000 và Mỹ là 1/250. Mặt khác, số lượng Luật Sư phát triển chưa cân đối giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi. Luật sư chủ yếu tập trung ở hai thành phố lớn đó là Hà Nội và Hồ Chí Minh.

Thứ hai, chất lượng Luật Sư còn nhiều hạn chế. Gần một nửa số lượng Luật Sư chưa được đào tạo một cách bài bản về kỹ năng hành nghề. Hiệu quả tham gia tố tụng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp. Các Luật Sư vẫn còn thiếu kinh nghiệm trong việc thu thập các bằng chứng, tài liệu, giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, tranh luận, đưa ra yêu cầu, kiến nghị tại tòa án. Một số luật sư còn có thái độ ứng xử nghề nghiệp chưa đúng với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, đồng nghiệp làm ảnh hưởng đến uy tín của nghề. Hơn nữa, Luật Sư nước ta còn yếu về ngoại ngữ và hiểu biết về pháp luật quốc tế. Dẫn đến nguy cơ thua kiện không đáng có xảy ra.

Thứ ba, trình độ chuyên môn hóa trong nghề còn chưa cao trong những năm gần đây đội ngũ Luật Sư đã phát triển đáng kể về chất lượng và số lượng nhưng chưa hình thành được đội ngũ chuyên sâu trong các lĩnh vực khác nhau. Các Luật Sư chủ yếu hành nghề trong hai lĩnh vực dân sự và hình sự. Trong các lĩnh vực khác như hành chính, lao động, kinh tế thì số lượng Luật Sư hành nghề còn ít. Bên cạnh đó còn có một số Luật Sư còn thường xuyên vi phạm pháp luật do nhận thức chưa cao.

Thứ tư, nghề luật sư ở nước ta đang hoạt động theo hình thức tự phát chưa áp dụng được quy chế chính thức cụ thể cho nên việc quản lý đang còn gặp nhiều hạn chế.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng, uy tín nghề Luật Sư ở nước ta:

Trên cơ sở thực trạng nghề Luật sư ở nước ta hiện nay xin được nêu một số ý kiến sau đây để góp phần nâng cao vị thế nghề Luật Sư nước nhà như sau:

Thứ nhất, xây dựng thêm các điều khoản bảo vệ Luật Sư trong việc bào chữa, quyền thu thập chứng cứ và mở rộng thêm quyền hạn của Luật sư.

Thứ hai, xây dựng cơ chế pháp lý cho việc tham gia ngày càng nhiều hơn của Luật sư trong đàm phán thương mại quốc tế, giải quyết các tranh chấp có các yếu tố nước ngoài, tạo môi trường cạnh tranh dịch vụ pháp lý lành mạnh.

Thứ ba, cần sớm ban hành quy tắc thống nhất về đạo đức nghề nghiệp Luật Sư và quy chế trách nhiệm nghề nghiệp của Luật Sư.

Thứ tư, mở rộng nâng cao các trường luật, các trường đào tạo Luật Sư để đảm bao uy tín và chất lượng của đội ngũ Luật Sư khi tham gia hành nghề.

Nghề Luật Sư nước ta đang ngày càng hoàn thiện, vai trò của nghề ngày càng được nâng cao, chất lượng uy tín ngày càng lớn hơn hoạt động hành nghề theo hướng chuyên nghiệp hóa.

Chúng ta hãy tin tưởng vào đội ngũ Luật Sư của nước nhà trong tương lai.

Lưu