HOẠT ĐỘNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI

0
1466

Ngày nay với nhu cầu về hoạt động nhượng quyền càng ngày tăng cao, các ông chủ khi bắt đầu kinh doanh thay vì xây dựng từ đầu thị họ còn có cách thứ hai là nhận quyền thương mại từ một thương nhân khác. Lúc này nhu cầu tìm hiểu về hoạt động nhượng quyền thương mại tăng lên.

Để đáp ứng nhu cầu đó cũng như các thắc mắc của bạn đọc Công ty Luật TNHH MTV Vũ Như Hảo và Cộng sự gửi đến bạn đọc bài viết dưới đây để có cái nhìn khái quát về hoạt động nhượng quyền thương mại theo quy định của pháp luật hiện nay.

Căn cứ theo Thông tư số: 09/2006/TT-BTM Thông tư về Hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại.

Căn cứ theo Nghị định của chính phủ số 35/2006/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại.

I. Điều kiện hoạt động nhượng quyền thương mại.

  1. Điều kiện đối với Bên nhượng quyền

Thương nhân được phép cấp quyền thương mại khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

–  Hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm.

Trường hợp thương nhân Việt Nam là Bên nhận quyền sơ cấp từ Bên nhượng quyền nước ngoài, thương nhân Việt Nam đó phải kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại ít nhất 01 năm ở Việt Nam trước khi tiến hành cấp lại quyền thương mại.

–  Đã đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 18 của Nghị định này.

– Hàng hoá, dịch vụ kinh doanh thuộc đối tượng của quyền thương mại:

+ Hàng hoá, dịch vụ được phép kinh doanh nhượng quyền thương mại là hàng hoá, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh.

+ Trường hợp hàng hoá, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh, Danh mục hàng hoá, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp chỉ được kinh doanh sau khi được cơ quan quản lý ngành cấp Giấy phép kinh doanh, giấy tờ có giá trị tương đương hoặc có đủ điều kiện kinh doanh.

  1. Điều kiện đối với Bên nhận quyền

Thương nhân được phép nhận quyền thương mại khi có đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với đối tượng của quyền thương mại.

II. Trách nhiệm cung cấp thông tin của Bên nhượng quyền và Bên dự kiến nhận quyền

  1. Trách nhiệm cung cấp thông tin của Bên nhượng quyền

a). Bên nhượng quyền có trách nhiệm cung cấp bản sao hợp đồng nhượng quyền thương mại mẫu và bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại của mình cho bên dự kiến nhận quyền ít nhất là 15 ngày làm việc trước khi ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại nếu các bên không có thỏa thuận khác. Các nội dung bắt buộc của bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại do Bộ Thương mại quy định và công bố.

b). Bên nhượng quyền có trách nhiệm thông báo ngay cho tất cả các Bên nhận quyền về mọi thay đổi quan trọng trong hệ thống nhượng quyền thương mại làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại của Bên nhận quyền.

c). Nếu quyền thương mại là quyền thương mại chung thì ngoài việc cung cấp thông tin theo quy định tại khoản 1 Điều này, Bên nhượng quyền thứ cấp còn phải cung cấp cho bên dự kiến nhận quyền bằng văn bản các nội dung sau đây:

– Thông tin về Bên nhượng quyền đã cấp quyền thương mại cho mình;

– Nội dung của hợp đồng nhượng quyền thương mại chung;

– Cách xử lý các hợp đồng nhượng quyền thương mại thứ cấp trong trường hợp chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại  Trách nhiệm cung cấp thông tin của bên dự kiến nhận quyền

  1. Trách nhiệm cung cấp thông tin của Bên dự kiến nhận quyền

– Phải cung cấp cho Bên nhượng quyền các thông tin mà Bên nhượng quyền yêu cầu một cách hợp lý để quyết định việc trao quyền thương mại cho Bên dự kiến nhận quyền.

III. Đơn phương chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại

  1. Bên nhận quyền có đơn phương chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại

Trong trường hợp: Bên nhượng quyền vi phạm nghĩa vụ theo quy định của pháp luật hoặc thỏa thuận khác giữa các bên không trái với quy định của pháp luật.

a). Cung cấp tài liệu hướng dẫn về hệ thống nhượng quyền thương mại cho bên nhận quyền;

b).  Đào tạo ban đầu và cung cấp trợ giúp kỹ thuật thường xuyên cho thương nhân nhận quyền để điều hành hoạt động theo đúng hệ thống nhượng quyền thương mại;

c). Thiết kế và sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ bằng chi phí của thương nhân nhận quyền;

d). Bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng được ghi trong hợp đồng nhượng quyền;

e).  Đối xử bình đẳng với các thương nhân nhận quyền trong hệ thống nhượng quyền thương mại.

  1. Bên nhượng quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại

Trong trường hợp:

a) Bên nhận quyền không còn Giấy phép kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương mà theo quy định của pháp luật Bên nhận quyền phải có để tiến hành công việc kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại.

b) Bên nhận quyền bị giải thể hoặc bị phá sản theo quy định của pháp luật Việt Nam.

c) Bên nhận quyền vi phạm pháp luật nghiêm trọng có khả năng gây thiệt hại lớn cho uy tín của hệ thống nhượng quyền thương mại.

d) Bên nhận quyền không khắc phục những vi phạm không cơ bản trong hợp đồng nhượng quyền thương mại trong một thời gian hợp lý, mặc dù đã nhận được thông báo bằng văn bản yêu cầu khắc phục vi phạm đó từ Bên nhượng quyền.

IV. Cơ quan thực hiện đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại

1. Bộ Thương mại thực hiện đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại sau đây:

a) Nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm cả hoạt động nhượng quyền thương mại từ Khu chế xuất, Khu phi thuế quan hoặc các khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật Việt Nam vào lãnh thổ Việt Nam;

b) Nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài, bao gồm cả hoạt động nhượng quyền thương mại từ lãnh thổ Việt Nam vào Khu chế xuất, Khu phi thuế quan hoặc các khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Sở Thương mại, Sở Thương mại Du lịch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thương nhân dự kiến nhượng quyền đăng ký kinh doanh thực hiện đăng ký đối với hoạt động nhượng quyền thương mại trong nước trừ hoạt động chuyển giao qua ranh giới Khu chế xuất, Khu phi thuế quan hoặc các khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật Việt Nam.

V. Hồ sơ đăng ký nhượng quyền thương mại

1.Hồ sơ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại tại Bộ Thương mại bao gồm:

a) Đơn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại;

b) Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại theo mẫu (nếu là văn bản nước ngoài thì dịch ra tiếng Việt);

c) Bản sao có công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư trong trường hợp nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài; bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập xác nhận trong trường hợp nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam; 

d) Bản sao có công chứng văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài trong trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ; (nếu là văn bản nước ngoài thì dịch ra tiếng Việt)

đ) Giấy tờ chứng minh sự chấp thuận về việc cho phép nhượng quyền lại của bên nhượng quyền ban đầu trong trường hợp thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền là bên nhượng quyền thứ cấp; (nếu là văn bản nước ngoài thì dịch ra tiếng Việt)

2. Hồ sơ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại tại Sở Thương mại bao gồm:

a) Đơn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại;

b) Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại; (nếu là văn bản nước ngoài thì dịch ra tiếng Việt)

c) Bản sao có công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư;

d) Bản sao có công chứng văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài trong trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ; (nếu là văn bản nước ngoài thì dịch ra tiếng Việt)

đ) Giấy tờ chứng minh sự chấp thuận về việc cho phép nhượng quyền lại của bên nhượng quyền ban đầu trong trường hợp thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền là bên nhượng quyền thứ cấp; (nếu là văn bản nước ngoài thì dịch ra tiếng Việt)