ĐẦU TƯ VÀO CÔNG TY VIỆT NAM – NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI CÓ THỂ NẮM GIỮ BAO NHIÊU PHẦN TRĂM CỔ PHẦN?

0
1453

Hiện nay, số lượng người nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam ngày càng gia tăng. Một trong những điều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều nhất khi tiến hành thủ tục đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam đó là họ có thể nắm giữ được bao nhiêu phần trăm cổ phần trong doanh nghiệp? Để giải đáp cho thắc mắc này, Công ty Luật TNHH MTV Vũ Như Hảo và Cộng sự xin đưa ra tư vấn cho khách hàng như sau:

I. Căn cứ pháp lý:
– Luật đầu tư 2014
– Nghị định số 118/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư
– Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2012 của chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật chứng khoán và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật chứng khoán.

II. Nội dung tư vấn.

Việc đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế được quy định tại Điều 24, 25, 26 Luật Đầu tư 2014 và được hướng dẫn chi tiết tại Điều 46 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn vào tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:

“a) Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;
b) Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;
c) Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:
a) Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông;
b) Mua phần vốn góp của các thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn;
c) Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh;
d) Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này.”

Với phần sở hữu tỉ lệ góp vốn, theo quy định tại Điều 22 Luật Đầu tư 2014 thì:

“Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế, trừ các trường hợp sau đây:
a) Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán;
b) Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước;
c) Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”

Đối với tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng (Khoản 2 Điều 1 Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2012 của chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật chứng khoán và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật chứng khoán) thì:
“1. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng như sau:
a) Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì thực hiện theo điều ước quốc tế;
b) Trường hợp công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà pháp luật về đầu tư, pháp luật liên quan có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thì thực hiện theo quy định tại pháp luật đó.
Đối với công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%;”

Nhìn chung, pháp luật hiện hành không có quy định chung nhất hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài. Phụ thuộc vào ngành nghề cụ thể mà nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu đăng ký, việc hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.