THÀNH LẬP CHI NHÁNH VÀ NHỮNG ĐIỀU DOANH NGHIỆP CẦN PHẢI BIẾT

0
1283

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có một vấn đề nhờ Luật sư giải đáp như sau:
Năm 2016 tôi có thành lập công ty để kinh doanh, công ty tôi chuyên sản xuất và bán buôn bán lẻ các gia dụng từ nhựa. Hiện nay tình hình hoạt động của công ty đã đi vào ổn định, nhận thấy mặt hàng của công ty ngày càng được khách hàng tin dùng và có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Tôi muốn mở rộng quy mô lập thêm các chi nhánh ở tỉnh thành khác. Tuy nhiên vì kiến thức pháp luật của tôi còn hạn chế và chưa nắm rõ các quy định. Vậy cho tôi hỏi: chi nhánh hoạt động như thế nào? Hồ sơ để thành lập chi nhánh gồm những gì? Chi nhánh hoạch toán như thế nào và đóng những loại thuế gì?

Trả lời: Công ty Luật Vũ Như Hảo & Cộng sự xin giải đáp các câu hỏi của bạn như sau:

1. Chi nhánh hoạt động như thế nào?
Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng ủy quyền cho doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Chi nhánh mặc dù được phép thực hiện hoạt động kinh doanh nhưng chỉ là một đơn vị trực thuộc công ty, không có tư cách pháp nhân độc lập. Chi nhánh được hoạt động kinh doanh như công ty mẹ, được quyền đăng ký con dấu riêng, thay công ty mẹ ký hợp đồng kinh tế. Chi nhánh cũng có thể kê khai nộp thuế riêng như một đơn vị độc lập nếu đăng ký là chi nhánh hạch toán độc lập.
Như vậy việc bạn muốn lập thêm các chi nhánh bán buôn bán lẻ các sản phẩm từ công ty mình sản xuất là hoàn toàn phù hợp. Điều này giúp mở rộng được quy mô kinh doanh của công ty bạn. Đồng thời cũng là để tiếp cận được các đối tượng khách hàng tiềm năng ở tỉnh thành khác, giúp thuận tiện cho khách hàng đến giao dịch thuận tiện hơn.

2. Hồ sơ để thành lập chi nhánh gồm những gì?
Bạn cần chuẩn bị những giấy tờ sau để thành lập chi nhánh:
Quyết định bằng văn bản và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của chủ sở hữu công ty hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần, của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh về việc thành lập chi nhánh;
Bản sao hợp lệ quyết định bổ nhiệm người đứng đầu chi nhánh;
Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của người đứng đầu chi nhánh;
Đối với người đứng đầu chi nhánh là người Việt Nam: Cung cấp bản sao công chứng Chứng minh thư nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu;
Đối với người đứng đầu chi nhánh là người nước ngoài: Cung cấp bản sao công chứng Hộ chiếu và thẻ tạm trú;
Sau khi chuẩn bị đầy đủ Hồ sơ bạn nộp tại bộ phận một cửa của Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh/thành phố nơi đặt chi nhánh.

3. Chi nhánh hoạch toán như thế nào và đóng những loại thuế gì?
Bạn có thể lựa chọn 2 hình thức hoạch toán cho chi nhánh như sau:
Chi nhánh hạch toán độc lập
Chi nhánh hạch toán phụ thuộc

Tùy thuộc vào hình thức hoạch toán mà chi nhánh phải đóng 03 loại thuế sau:
– Thuế môn bài
– Thuế giá trị gia tăng
– Thuế thu nhập doanh nghiệp
Lưu ý với thuế môn bài:
Theo quy định tại Nghị định 22/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139/2016/NĐ-CP, khi thành lập chi nhánh công ty, các trường hợp được miễn thuế môn bài năm 2020 bao gồm:
Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp theo quy định của pháp luật về hợp tác xã nông nghiệp
Quỹ tín dụng nhân dân; chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và của doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tại địa bàn miền núi. Địa bàn miền núi được xác định theo quy định của Ủy ban Dân tộc
Miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12) đối với:
Tổ chức thành lập mới (được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghiệp mới).
Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân được miễn lệ phí môn bài.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh (theo quy định tại Điều 16 Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài.
Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa (thuộc diện miễn lệ phí môn bài theo quy định tại Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa) được thành lập trước thời điểm Nghị định 22/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì thời gian miễn lệ phí môn bài của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được tính từ ngày Nghị định 22/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đến hết thời gian doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài

Trên đây là giải đáp của chúng tôi gửi đến bạn. Nếu muốn tư vấn thêm hoặc sử dụng dịch vụ pháp lý của công ty, vui lòng liên hệ qua những cách sau:

  • Điện thoại/zalo: 0386 533 086
  • E-mail: VPLSHaovaCongsu4@gmail.com