Trong quá trình tham gia giao dịch dân sự, nhiều trường hợp vì lý do nào đó mà các chủ thể phải ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác thực hiện một công việc thay mình. Có rất nhiều vấn đề cần đề cập đến trong giấy/hợp đồng ủy quyền như phạm vi ủy quyền, thù lao ủy quyền, thời hạn ủy quyền. Tuy nhiên, việc thực hiện công việc ủy quyền trong thời hạn bao lâu và khi nào việc ủy quyền đó chấm dứt và Pháp luật quy định ra sao về vấn đề này? Công ty Luật Vũ Như Hảo và Cộng sự xin cung cấp một số kiến thức pháp luật liên quan đến vấn đề này như sau:
Thứ nhất: Thời hạn hiệu lực của giấy/hợp đồng ủy quyền.
Theo quy định Bộ luật dân sự 2015, thời hạn ủy quyền sẽ do bên thỏa thuận có thể là một thời hạn cụ thê hoặc là thời hạn từ một thời điểm cho đến khi hoàn thành công việc được ủy quyền. Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận thì thời hạn ủy quyền sẽ được xác lập theo quy định của pháp luật, lúc này thời hạn có hiệu lực của hợp đồng sẽ là một năm kể từ thời điểm ủy quyền. Trong trường hợp này, nếu bên ủy quyền vẫn muốn ủy quyền cho bên nhận ủy quyền để thực hiện công việc đã ủy quyền thì hai bên có thể đến phòng công chứng để xác lập lại giấy/hợp đồng ủy quyền mới, hoặc bên ủy quyền có thể ủy quyền cho bên khác để thực hiện công việc của mình mà không cần thông qua ý kiến của bên nhận ủy quyền trước đó.
Thứ hai: Các trường hợp chấm dứt hợp đồng ủy quyền.
Hợp đồng ủy quyền cũng như những hợp đồng khác sẽ chấm dứt khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Khi công việc ủy quyền đã thực hiện xong như trong nội dung hợp đồng ủy quyền,
+ Nếu công việc vẫn chưa được hoàn thành nhưng hai bên bên ủy và bên được ủy quyền có thỏa thuận vê chấm dứt hợp đồng ủy quyền thì việc ủy quyền cũng sẽ bị chấm dứt.
+ Cá nhân giao kết thực hiên hợp đồng chết, pháp nhân không còn tồn tại thì hợp đồng ủy quyền trước đó cũng sẽ chấm dứt, sẽ không có hiệu lực.
+ Đối tượng của hợp đồng ủy quyền không còn dẫn đến việc không thể thực hiện được công việc đã được ủy quyền trước đó.
+ Do một bên hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền thì hợp đông ủy quyền cũng sẽ bị chấm dứt. Trong trường hợp này, bên ủy quyền được chấm dứt bất cứ khi nào vì ủy quyền là hành vi pháp lý đơn phương. Tuy nhiên khi chấm dứt phải thông báo với bên được ủy quyền và bên thứ ba bằng văn bản nếu có biết về hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền đó. Nếu hợp đồng ủy quyền có thù lao thì phải trả thù lao cho người được ủy quyền ứng với khối lượng công việc họ đã thực hiện, tiến hành bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra do hành vi đơn phương chấm dứt việc ủy quyền đó. Trường hợp không thuộc trường hợp bên thứ ba biết hoặc bắt buôc phải biết mà người ủy quyền không thông báo vì việc chấm dứt ủy quyền thì giao dịch với bên thứ ba đó vẫn có giá trị pháp lý và tiếp tục thực hiện. Trường hợp hợp đồng ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền vẫn có quyền chấm dứt việc ủy quyền bất cứ khi nào như hợp đồng có thù lao. Tuy nhiên phải báo trước cho bên được nhận ủy quyền một thời gian hợp lý.
+ Chấm dứt hợp đồng ủy quyền khi có hoàn cảnh thay đổi xảy ra sau khi giao kết hợp đồng mà do nguyên nhân khách quan hay tại thời điểm giao kết hợp đồng các bên không lường trước được hoàn cảnh thay đổi, hoàn cảnh thay đổi lớn mà nếu biết trước điều đó sẽ không tiên hành việc giao kết hợp đồng hoặc nếu có giao kết thì nội dung hợp đồng cũng sẽ khác với nội dung hợp đồng hiện tại, nếu tiếp tục thực hiện nội dung hợp đồng ủy quyền đã giao kết sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một trong hai bên hoặc cả hai bên chính vì vậy cần chấm dứt ngay hợp đồng ủy quyền đó.